Thứ Hai đen tối của Chứng khoán
Phiên giao dịch ngày 5/8 (thứ Hai), VNIndex giảm 48,53 điểm (-3,92%) về 1.188 điểm. Thị trường chứng khoán thế giới cũng đồng loạt giảm mạnh như: Nikkei (-12,4%), Kospi (-8,77%), Nasdaq (-3,98%)...
Chuyện gì đã xảy ra với thị trường chứng khoán thế giới nói chung cũng như Việt Nam nói riêng? Cùng tìm hiểu nhé.
Về thị trường thế giới, theo Ezy Stock có 3 nguyên nhân chính như sau:
Nguyên nhân 1: US recession risk - Rủi ro suy thoái từ Mỹ
Nguyên nhân 2: Geopolitical risk (Iran & Israel) - Rủi ro địa chính trị, chiến sự Trung Đông
Nguyên nhân 3: JPY carry trade unwinding risk - Rủi ro tháo gỡ giao dịch chênh lệch lãi suất
1. US recession risk - Rủi ro suy thoái từ Mỹ
Giới chuyên gia cho rằng Fed đang rơi vào kịch bản "hạ cánh cứng" và nhiều con số cho thấy kinh tế Mỹ đã suy thoái.
Ngày 2/8, Bộ Lao động Mỹ cho biết trong tháng 7, nước này có thêm 114.000 việc làm mới, thấp hơn kỳ vọng thị trường. Tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 4,3% – cao nhất trong gần 3 năm. Số việc làm mới giảm hơn mong đợi, trong khi tỷ lệ thất nghiệp tăng. Những dữ liệu này bổ sung thêm bằng chứng về sự yếu đi của thị trường lao động.
Tuyên bố ngày 31/7, FED nhận định nền kinh tế “tiếp tục tăng trưởng với tốc độ vững”, “tăng trưởng việc làm đã yếu đi” và tỷ lệ thất nghiệp “còn thấp”. Tuy nhiên, sau khi các số liệu được công bố cho thấy tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đang tăng lên, các nhà hoạch định chính sách đã dịch chuyển trọng tâm sang chống sự gia tăng của thất nghiệp - điều thường xảy ra khi lãi suất cao và lạm phát giảm.
Không những vậy, giới đầu tư đã liên hệ đến “quy tắc Sahm” - chỉ báo này do cựu quan chức Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Claudia Sahm tạo ra, một chỉ số suy thoái chính xác xuất hiện khi trung bình động ba tháng của tỷ lệ thất nghiệp vượt qua ngưỡng quan trọng.
Chỉ báo Sahm được kích hoạt khi tỷ lệ thất nghiệp bình quân ba tháng cao hơn 50 điểm cơ bản hoặc 0,5 điểm phần trăm so với mức thấp nhất trong 12 tháng. Khi đó, nền kinh tế đã rơi vào suy thoái.
Nhìn lại quá khứ, kể từ năm 1953, quy tắc Sahm đã nhấp nháy cảnh báo 11 lần. Trong số đó, 10 lần nền kinh tế rơi vào suy thoái. Lần duy nhất quy tắc này dự báo không thành công là vào năm 1959. Nhưng ngay cả trong lần đó, suy thoái đã xảy ra 5 tháng sau khi tín hiệu từ quy tắc Sahm xuất hiện.
Tỷ lệ thất nghiệp bình quân ba tháng đã tăng 53 điểm cơ bản so với mức đáy một năm. Đủ để củng cố nỗi lo về một kịch bản “hạ cánh cứng”, đặc biệt là khi không có phản ứng từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Tuy nhiên, bản thân “mẹ đẻ” Sahm đã viết trong bài đăng trên Substack vào tuần trước, ngày 31/7 rằng "tỷ lệ thất nghiệp tăng không đáng ngại". Vì tỷ lệ thất nghiệp tăng trong năm qua không phải do cắt giảm việc làm, mà do nguồn cung lao động tăng từ xu hướng nhập cư.
Suy thoái kinh tế không phải là điều sắp xảy ra, nhưng rủi ro suy thoái đã tăng lên.
”Claudia Sahm”
Trong khi Ngân hàng Trung ương châu Âu và Ngân hàng trung ương Anh (BoE) đã nới lỏng chính sách tiền tệ, thì Fed lại “câu giờ”, khi trì hoãn quyết định về điều chỉnh lãi suất cho đến tháng Chín. Điều đó đã tạo ra làn sóng bán tháo tồi tệ và làm dấy lên lo ngại rằng Fed có thể đã chờ quá lâu để bắt đầu cắt giảm lãi suất.
2. Geopolitical risk (Iran & Israel) - Rủi ro địa chính trị, chiến sự Trung Đông
Trong nhiều thập niên, "cuộc chiến trong bóng tối" giữa Israel và Iran xảy ra trên khắp Trung Đông, ở mọi mặt trận: trên không, trên bộ, trên biển và trên không gian mạng, theo tờ The New York Times.
Đỉnh điểm đưa cuộc chiến giữa Israel và Iran lên căng thẳng chưa từng có là vụ ám sát ông Haniyeh vào ngày 31/07. Tuy đây không phải lần đầu tiên xảy ra các vụ quan chức cấp cao của các quốc gia và thực thể đối địch với Israel, nhưng ông Haniyeh bị ám sát là một đòn giáng mạnh với Hamas (Iran) về mặt chiến lược.
*Bạn có thể xem thêm tại bài báo này*
Từ đó, giới chuyên gia nhận định nếu cuộc xung đột leo thang, căng thẳng sẽ lan rộng ra thị trường toàn cầu và ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế.
Mình sẽ có một bài riêng về các mặt tác động kinh tế của chiến sự Trung Đông. Theo dõi mình để không bỏ lỡ bài viết đấy nhé!
Tóm lại, hai yếu tố cộng hưởng đã thúc đẩy nỗi lo về suy thoái kinh tế ở Mỹ:
Một là, báo cáo việc làm yếu hơn dự đoán
Hai là, lo ngại chiến sự Trung Đông sẽ tổn thương đến chuỗi cung ứng (như cuộc xung đột ở Ukraine và Dải Gaza)
=> Ảnh hưởng đến thị trường toàn cầu, khiến cổ phiếu ở châu Á và châu Âu lao dốc.
3. JPY carry trade unwinding risk - Rủi ro tháo gỡ giao dịch chênh lệch lãi suất tại Nhật Bản
Một mặt do mối lo kinh tế Mỹ có thể rơi vào một cuộc suy thoái, mặt khác do nhà đầu tư bất ngờ vì tốc độ hồi phục của đồng Yên.
Từ năm 2020, Nhật Bản luôn duy trì mức lãi suất thấp nhất trên thế giới, chỉ từ 0 đến 0.01% (đường kẻ đen trên hình 3). Đến ngày 31/7, Ngân hàng Nhật Bản đã tăng lãi suất từ lên 0,25%. Có thể thấy, đây là đợt tăng lãi suất lớn nhất từ Nhật Bản!
Lý do Nhật Bản tăng lãi suất:
Lạm phát đã bắt đầu gia tăng tại Nhật (đường kẻ đỏ trên hình 3)
Đồng tiền của Nhật bị mất giá do hâu quả của việc duy trì lãi suất thấp trong hơn 1 thập kỷ qua
Nhật Bản tăng lãi suất, đồng Yên đã bắt đầu tăng trở lại so với đồng Đô la đã gây ra những tác động như sau:
Thứ nhất, gây tổn hại cho nhiều công ty trong nước trong chỉ số Nikkei 225. Do các công ty này chủ yếu hoạt động dựa vào xuất khẩu -> đồng Yên mạnh lên sẽ làm giảm lợi nhuận và khiến sản phẩm của họ kém cạnh tranh so với nước khác
Thứ hai, đối với các nhà đầu tư đang sử dụng Carry Trade.
Carry Trade là nhà đầu tư đi vay một đồng tiền có lãi suất thấp như đồng yên để đầu tư vào những đồng tiền khác hoặc tài sản ở những thị trường có lãi suất cao hơn
Ví dụ, vay đồng Yên mua cổ phiếu tại Mỹ sẽ đối mặt hai vấn đề:
(i) Cổ phiếu bạn mua đang bị bán tháo (và đối mặt với nguy cơ suy thoái tại Mỹ)
(ii) Đồng Yên tăng giá + chi phí vốn vay tại Nhật tăng lên (do lãi suất tăng) -> Nhà đầu tư chịu lãi vay cao hơn
=> Dẫn đến việc bán cổ phiếu tại Mỹ, xong mua đồng Nhật để trả nợ tại Nhật
Từ đó cho thấy Carry Trade đã gây áp lực lên cả các công ty Nhật Bản cũng như cổ phiếu tại Mỹ (hay các quốc gia khác).
Với việc Nhật Bản báo hiệu sẽ tăng lãi suất nhiều hơn, đồng Yên đã bắt đầu tăng giá trở lại so với đồng đô la. Trong vòng 1 tháng, từ tháng 7 đến tháng 8/2024 tỷ giá USD/JPY đã giảm gần 10% từ mốc 161 xuống còn 145.
USD/JPY = 161, nghĩa là cứ 1 đồng Đô la sẽ đổi được 161 đồng Yên.
USD/JPY = 145, nghĩa là cứ 1 đồng Đô la chỉ còn đổi được 145 đồng Yên.
=> Đồng USD đã yếu dần so với đồng JPY.
Vậy nguyên nhân nào dẫn đến thị trường chứng khoán Việt Nam giảm 48,53 điểm (-3,92%) trong phiên ngày 05/08?
Theo Ezy Stock, bên cạnh những nguyên nhân từ thế giới thì riêng Việt Nam còn gặp sự kiện tiêu cực xảy ra vào cuối tuần: “Việt Nam chưa được Bộ Thương mại Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường”. Không có thông tin tích cực nào đủ mạnh để VNIndex bấu víu đi ngược lại toàn cầu.
Việt Nam tiếp tục nằm trong danh sách nền kinh tế phi thị trường của Mỹ kể từ năm 2002 và sẽ tiếp tục gặp phải các cuộc điều tra chống bán phá giá, trợ cấp đối với các mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam như đã diễn ra trong các năm vừa qua.
Về mặt đầu tư, theo chúng tôi đánh giá, sự kiện trên không làm xấu đi triển vọng kinh doanh, tuy nhiên có thể làm giảm sự kỳ vọng đối với diễn biến giá cổ phiếu trong tương lai. Trường hợp Việt Nam được vào danh sách kinh tế thị trường, sẽ giúp gia tăng vị thế của Việt Nam trên thị trường quốc tế và lợi ích song phương giữa 2 nước.
Vậy tóm lại, Ezy Stock đánh giá thị trường chứng khoán thế giới và Việt Nam đang diễn biến khó lường trong bối cảnh các yếu tố địa chính trị, kinh tế và dòng tiền khó đoán định, đẩy rủi ro tăng cao. Bên cạnh đó, thị trường có thể đối diện với áp lực bán giải chấp margin trong các phiên tới. Từ đó, Ezy Stock đưa ra những khuyến nghị chiến lược đầu tư theo vị thế như sau:
Vị thế nhà đầu tư đang cầm tiền và chưa giải ngân: Theo dõi các cổ phiếu cơ bản và chuẩn bị giải ngân từng phần vì đây là cơ hội mua được “hàng tốt-giá rẻ” cho mục tiêu trung, dài hạn. Các nhóm ngành gợi ý như: Tiêu dùng bán lẻ (MWG, VNM, MSN..) không giảm nhiều nhưng thị trường hồi là bật mạnh, vì khi thị trường giảm, hàng cơ bản sẽ lên ngôi.
Vị thế nhà đầu tư đang nắm giữ 100% cổ phiếu: Đánh giá lại danh mục hiện tại và cơ cấu những cổ phiếu chất lượng “kém” sang cổ phiếu có thể phục hồi tốt hơn khi thị trường ổn định.
Vị thế nhà đầu tư có sử dụng margin: Kiểm soát tỷ lệ vay tốt để không bị Call margin hay Force sell. Nếu như trong xu hướng lên, bài học lớn nhất là tối đa hóa lợi nhuận thì trong xu hướng giảm, bài học sống còn là bảo toàn vốn.
Ezy Stock hi vọng bài viết này đã giúp bạn có thêm hướng xử lý danh mục và hỗ trợ chặng đường đầu tư của mình.